Cảng Bà Lụa nâng tầm bất động sản và du lịch Bình Dương
Bên cạnh công nghiệp, ngành du lịch của Bình Dương có nhiều thế mạnh bứt phá, trong đó cảng Bà Lụa với tầm nhìn là cảng hành khách 10ha giúp nâng giá trị bất động sản và phát triển du lịch địa phương.
Du lịch giúp phát triển bất động sản
Liền kề TP.HCM và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có nền kinh tế tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ được thiên nhiên ưu ái cùng với bàn tay xây dựng của con người, tỉnh có nhiều lợi thế để khai thác tiềm năng du lịch.
Bình Dương được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh đẹp. Đến nay, tỉnh có 13 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp quốc gia, 47 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp tỉnh.
Theo đó, Bình Dương có nhiều điểm đến thu hút du khách tham quan như khu du lịch Đại Nam, chùa Tây Tạng, chùa Hội Khánh, nhà thờ Phú Cường, công viên Thành phố mới, chợ đêm và phố đi bộ Bạch Đằng, vườn trái cây Lái Thiêu... Ngoài ra, nơi đây còn có các làng nghề truyền thống nổi tiếng về gốm sứ, sơn mài, điêu khắc, mây tre lá…
Với những tiềm năng trên, ngành du lịch của tỉnh đã và đang được quan tâm khai thác, phát huy giá trị, tạo nền tảng cho sự bùng nổ về du lịch. Nhờ đó, bất động sản Bình Dương có thêm điểm tựa vững chắc để vươn tầm hơn nữa trong tương lai gần.
Cảng Bà Lụa - điểm sáng nâng giá trị bất động sản khu vực
Xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Dương chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường thủy. Tỉnh quy hoạch các bến cảng, các tuyến đường ven sông Sài Gòn. Theo đó, cảng Bà Lụa tại phường Phú Thọ (TP Thủ Dầu Một) được quy hoạch thành cảng hành khách có quy mô đến 10ha để phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn.
Định hướng mở rộng cảng Bà Lụa giúp nâng tầm diện mạo của khu vực lân cận. Bất động sản xung quanh được đánh giá sẽ hưởng lợi và tăng giá trị, nhất là những bất động sản kề cảng và ven sông Sài Gòn.
Song song đó, TP Thủ Dầu Một còn là nơi dừng chân trên tuyến đường cao tốc bến Bạch Đằng (TP.HCM) - Bình Dương - Địa đạo Củ Chi (TP.HCM) được khai thác vận hành vào năm 2020. Tuyến tàu cao tốc có cự ly 78km, thời gian chạy khoảng 120 phút, kết nối nhiều địa điểm tham quan mang đậm màu sắc lịch sử, văn hóa của hai địa phương.
Bên cạnh cảng Bà Lụa, Bình Dương tiến hành hoàn thiện tuyến đường Bạch Đằng nối dài, chạy dọc theo sông Sài Gòn. Tuyến đường này hiện có chiều dài gần 1km, mặt đường rộng 15m, vỉa hè tối thiểu 5m, công viên, lối đi bộ dọc bờ sông cùng hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng và cây xanh. Tuyến đường hoàn thành giúp tạo cảnh quan thoáng mát và là điểm nhấn cho TP Thủ Dầu Một, giúp thị trường bất động sản nơi này thêm sôi động.
Với hạ tầng đồng bộ và kết nối vùng hoàn hảo, Bình Dương nói chung và TP Thủ Dầu Một nói riêng còn nhiều dư địa để phát triển toàn diện. Việc tỉnh đẩy mạnh du lịch mở ra nhiều cơ hội mới, giúp thị trường bất động sản nơi đây tiếp tục “chiếm sóng” tại khu vực phía Nam.
Nguồn: danviet.vn
(Dân Việt).